Thuyết minh lịch sử phố cổ Hội An
Phố cổ Hội An
Hội An, Haifo, Faifo hay Đô Thị – Thương cảng, từ lâu đã đi vào lịch sử Việt Nam và đã được nhắc đến trong tư liệu nhiều nước Đông Á, Đông Nam Á và một số nước phương Tây.
Cách Đà Nẵng 30km về phía Đông Nam, Đô thị – Thương cảng Hội An nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn, nối với biển Đông qua cửa Đại.
Thời xa xưa Hội An có những tên gọi khác nhau như: Hải Phố, Hoài Phố, Hai Phố… Trên bản đồ các thương nhân nước ngoài gọi là Haipho hay Faifo, đã có nhiều tác giả, nhiều nhà nghiên cứu cố gắng giải thích nguyên nghĩa của các địa danh trên.
Thương cảng Hội An hình thành trong khoảng thế kỷ 15-16, thịnh đạt trong thế kỷ 17-18, nhưng trước đó rất lâu (từ thế kỷ 2 SCN trở về trước), vùng đất Hội An đã nằm trong địa bàn phân bố của văn hoá tiền Sa Huỳnh – đến Sa Huỳnh và còn là một cảng thị trọng yếu của Champa (từ thế kỷ 2 đến thế kỷ 15). Cửa Đại Chiêm, Cù Lao Chàm cùng nhiều di tích văn hoá Champa cổ được phát hiện trong thời gian gần đây đã chứng minh về giai đoạn tiền đề trong lịch sử phát triển của đô thị – Thương cảng Hội An.
Trong thời thịnh đạt, đặc biệt trong nửa đầu thế kỷ 17, Hội An là trung tâm mậu dịch lớn nhất của Đàng Trong và cả nước Đại Việt, là một trong những thương cảng sầm uất của vùng biển Đông Nam Á. Trung tâm hoạt động của thương cảng là vùng bến cảng cùng phố chợ buôn bán nằm trên bờ biển Bắc sông Thu Bồn, nay là vùng nội thị của Thị xã Hội An gồm các phường Minh An, Sơn Phong, Cẩm Phô. Nhưng phạm vi thương cảng lúc đó còn mở rộng ra cả hai bên bờ Bắc, bờ Nam dòng sông bao gồm những nơi neo đậu tầu thuyền như đầm Trà Nhiêu, Trung Phường, Trà Quế…Cảng Sông Hàn ở phía Bắc và có thể coi đó chính là các vệ tinh của Đô thị – Thương cảng Hội An. Phía trên sông Thu Bồn là Dinh trấn Thanh Chiêm của Quảng Nam, nơi các tàu thuyền ngoại quốc muốn hoạt động buôn bán ở Hội An phải đến trình báo, là các thủ tục hải quan. Có thể hình dung Đô thị Hội An với không gian hoạt động rộng lớn như vậy.
Cửa biển Đại Chiêm cách Hội An 5km, sông Thu Bồn sâu rộng chảy phía Nam Hội An, đã hình thành một đô thị – thương cảng trên bến dưới thuyền buôn bán sầm uất. Nơi đây thuyền buôn nhiều nước Châu Á, Châu Âu đến buôn bán, sinh cơ lập nghiệp xây dựng phố phường, mở thương điếm. Các thương thuyền từ Nhật Bản, Ba Tư, Trung Quốc, Ả Rập, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh Quốc thường xuyên cập bến để trao đổi hàng hóa, mua các sản vật như trầm hương, quế, ngọc trai, đồi mồi, xà cừ, tơ lụa, vải vóc… dân cư Hội An ngày một đông đúc, phố xá mở mang rộng đến 2km2. Đến thế kỷ XIX, điều kiện tự nhiên biến động nhiều, các con sông đổi dòng chảy, cửa Đại Chiêm bị phù sa bồi đắp và cạn dần, thuyền bè ra vào khó khăn, cảng mới hình thành ở Đà Nẵng, Hội An không còn là nơi buôn bán phồn vinh nữa, nhịp đập như dừng lại trong dĩ vãng. Nhờ thế mà cho đến nay Hội An được bảo tồn khá nguyên vẹn với tổng thể kiến trúc khá phong phú đa dạng gồm bến cảng, nhà dân, đình chùa, hội quán, lăng mộ.
Về mặt kiến trúc của Hội An, nhà cửa mang đậm nét dáng vẻ truyền thống ở các đô thị cổ ở nước ta, đó là kiểu nhà gỗ hình ống dài 40-60m thông suốt hai mặt phố, nội dung và hình thức rất đặc sắc đã tồn tại trên 200 năm. Phần lớn nhà ở mặt tiền tiếp giáp với đường phố dùng để buôn bán, mặt nam hướng về bến sông có cầu cảng riêng, vẻ đẹp không kém phần hấp dẫn, dành làm nơi chứa hàng hoá và các công trình phụ. Khu ở, sinh hoạt và gia tiên đặt ở giữa kế sân trời (thiên tĩnh) sáng sủa và thông thoáng cạnh sân nhà có cầu nối các gian nhà với nhau để đi lại không bị mưa nắng, trong khu thường được chú ý trang trí làm đẹp không gian trên các cấu kiện kiến trúc thường được trạm khắc rất tinh xảo về các đề tài hoa lá, cá, chim muông.
Hội An có nhiều chùa to đẹp thờ phật, thờ thánh chùa thờ cũng là Hội Quán, nơi tụ họp đồng hương, đồng nghiệp. Đáng chú ý là các chùa Phúc Kiến-Mẫn Thương Hội Quán khởi dựng năm 1678; chùa Ngũ Bang-Dương Thượng Hội Quán có từ trước năm 1740; chùa Quảng Triệu-Quảng Đông Hội Quán xây dựng năm 1885; Triều Châu Hội Quán xây dựng trong suốt 40 năm 1845-1885.