Ngành du lịch chờ tiêu chí an toàn chung (*): Mong sớm “mở đường” đón khách quốc tế
Bên cạnh hồi phục du lịch nội địa, các địa phương, doanh nghiệp còn kiến nghị sớm có chính sách đón khách quốc tế theo hướng cạnh tranh, thu hút
Là 1 trong gần 100 vị khách từ TP HCM tới khám phá điểm du lịch núi Bà Đen (tỉnh Tây Ninh) trong ngày 18-10, anh Vũ Văn Phú, nhân viên Công ty TNHH An Nông (TP HCM), cho biết anh rất hào hứng với chuyến đi sau khoảng 1 năm không được du lịch và khoảng 3 tháng làm việc tại công ty theo mô hình “3 tại chỗ”. “Không riêng tôi mà gần 30 người của công ty tham gia đoàn du lịch đều thích thú với không khí trong lành, mát mẻ ở núi Bà Đen” – anh Phú nói.
Tất bật đón khách nội địa
Đoàn khách thương mại đầu tiên của các doanh nghiệp (DN) lữ hành Tây Ninh sau thời gian dài tạm ngừng vì dịch Covid-19 còn có những tình nguyện viên tham gia chống dịch trong dự án ATM ôxy miễn phí của Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam. Ông Hoàng Tuấn Anh – Giám đốc Công ty PHGSmarthome, người sáng lập dự án ATM ôxy – cho hay kế hoạch tham gia tour liên tỉnh đầu tiên giữa TP HCM và Tây Ninh của Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam nhằm góp phần lan tỏa đến nhiều người về việc ngành du lịch đã dần mở cửa trở lại sau nhiều tháng thành phố giãn cách xã hội nghiêm ngặt.
Đây là đoàn khách thứ 2 từ TP HCM đi theo tour liên tỉnh trong lộ trình mở cửa ngành du lịch thành phố, sau đoàn khách đầu tiên đi Quảng Bình cách đây ít ngày.
Ông Nguyễn Ngọc Tấn, Tổng Giám đốc Saco Travel (đơn vị tổ chức tour đầu tiên từ TP HCM đi Tây Ninh sau giai đoạn giãn cách), cho biết DN hiện đã đón khách đi huyện Cần Giờ, Củ Chi với tín hiệu khả quan; mở tour đi Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu (Côn Đảo, Hồ Cốc, Xuyên Mộc). Sắp tới, nếu được sự cho phép của các địa phương, Saco Travel sẽ mở thêm tuyến du lịch tới miền Trung. Hiện đã có khách đặt tour đi Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) và tỉnh Bình Định.
Tại TP Cần Thơ, nhiều địa điểm du lịch cũng chuẩn bị đón khách trở lại. Anh Trần Thanh Xuyên, thành viên Tổ tư vấn du lịch cộng đồng Cồn Sơn (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ), thông tin trong thời gian giãn cách, nhà vườn đã làm mới sản phẩm du lịch, sẵn sàng mở cửa đón khách.
Bà Phạm Thị Ngọc Trinh, chủ cơ sở Út Trinh Homestay (huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long), cũng cho biết đã chuẩn bị đủ điều kiện phòng dịch để đón khách khi du lịch phục hồi trở lại. Ngoài một số công ty lữ hành đã kết nối để chuẩn bị đưa khách đến nghỉ dưỡng, cũng có khách lẻ (gia đình) liên hệ với cơ sở. Mới đây, Út Trinh Homestay đón 3 đoàn khách là các y – bác sĩ tuyến đầu với hơn 10 người/đoàn tới nghỉ trong ngày.
Tỉnh Lâm Đồng cũng đang tập trung triển khai nhiều giải pháp phục hồi sau khi kiểm soát tốt dịch Covid-19. Trong đó, thực hiện có hiệu quả các chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch đã ký với các địa phương như: TP HCM, Đồng Nai, Bình Thuận, Khánh Hòa, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên – Huế, Nghệ An, Hà Nội… Đồng thời, khảo sát để hình thành các tuyến du lịch chuyên đề đặc thù vùng Tây Nguyên.
Du khách khám phá núi Bà Đen (tỉnh Tây Ninh) trong tour liên tỉnh đầu tiên giữa TP HCM và Tây Ninh ngày 18-10. Ảnh: LAM GIANG
Thí điểm tour khép kín đón khách quốc tế
Đáng lưu ý, trong lộ trình khôi phục ngành du lịch Việt Nam sau giai đoạn giãn cách xã hội, không chỉ Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) mà nhiều địa phương cũng mong muốn sớm được thí điểm đón khách quốc tế.
Tại TP HCM, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP HCM, cho hay ngành du lịch thành phố dự tính ngay trong tháng 10, sẽ nghiên cứu những thị trường quốc tế đã kiểm soát dịch cũng như những thị trường tiềm năng để xác định trọng tâm cho hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch. Theo đó, có thể mở cửa đón khách quốc tế từ năm 2022.
UBND TP Đà Nẵng vừa có tờ trình gửi Thủ tướng xin chủ trương về việc thí điểm đón khách quốc tế. Phương án của địa phương này là đón khách quốc tế và Việt kiều theo mục đích thương mại, công vụ, hồi hương, thăm thân…, triển khai dự kiến từ tháng 11-2021. Ông Trần Phước Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho hay Đà Nẵng là thành phố du lịch với vai trò trung tâm của miền Trung – Tây Nguyên, trung tâm du lịch của cả nước. Do đó, việc mở cửa, kết nối lại hoạt động du lịch là cần thiết. Điều kiện cần để triển khai phương án đón khách quốc tế là Chính phủ đạt được thỏa thuận về hộ chiếu vắc-xin với các thị trường khách.
TP Đà Nẵng cũng xin chủ trương cho địa phương này phối hợp với tỉnh Quảng Nam thí điểm triển khai phương án với mô hình tour trọn gói theo hành trình khép kín tại một số điểm được chọn như khách sạn, khu nghỉ dưỡng, sân golf, khu vui chơi giải trí… Khách chỉ tiếp xúc với người lao động phục vụ tại các cơ sở đủ điều kiện được cấp phép, khách đến và trở về nước theo số ngày trong tour, combo trọn gói.
Theo Sở Du lịch TP Đà Nẵng, hiện các công ty du lịch Hàn Quốc, Nga và nhiều hãng hàng không đang xúc tiến, làm việc với sở để đề xuất khôi phục các tour du lịch đến Đà Nẵng trong quý IV năm nay và năm 2022.
Về phía DN, ông Trịnh Hồng Quang, Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines, cho rằng để ngành hàng không, du lịch sớm phục hồi, có thể thí điểm đón khách quốc tế tới một số điểm đến ở Việt Nam như Phú Quốc, Nha Trang, Đà Nẵng… Cùng đó, xây dựng bộ chính sách và hướng dẫn cụ thể đối với khách từ thị trường quốc tế nhập cảnh vào Việt Nam theo hướng cạnh tranh, thu hút so với với những điểm đến khác trên thế giới. “Cần phân nhóm thị trường theo mức độ an toàn, kiểm soát dịch bệnh và có các chính sách nới lỏng, thu hút đối với nhóm thị trường an toàn, “xanh”; cho phép các hãng hàng không được chủ động xây dựng kế hoạch bay quốc tế thường lệ trên cơ sở hướng dẫn của Cục Hàng không Việt Nam” – ông Trịnh Hồng Quang nói.
Theo bà Nguyễn Lê Hương, Phó Tổng Giám đốc Vietravel, đề cập du lịch quốc tế lúc này có thể nhiều người cho là sớm. Dù vậy, thực tế, Việt Nam hiện vẫn có những chuyến bay đến và đi các nước. Nhiều người từ nước ngoài, nhiều chuyên gia vẫn vào được Việt Nam nhưng các chính sách hiện nay vẫn chưa áp dụng được cho việc đi du lịch.
“Chúng tôi mong muốn Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) cùng Tổng cục Du lịch có những chính sách vĩ mô và thông điệp về truyền thông. Có thể bắt đầu mở ra từ những chuyến bay hiện đang xin giấy phép để phát triển du lịch, từ đó sớm mở các đường bay thương mại để có đánh giá về đường bay, chuyến bay quốc tế, qua đó sớm có định hướng. Từ đây, các DN, nhà cung cấp có kế hoạch để triển khai hoạt động” – bà Hương kiến nghị.
Khánh Hòa có thể thí điểm đón khách quốc tế
Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho hay Tổng cục Du lịch đã có nhiều buổi làm việc với tỉnh Kiên Giang về kế hoạch triển khai thí điểm đón khách quốc tế dự kiến vào cuối tháng 11-2021. Trong cuộc họp mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo Bộ VH-TT-DL phối hợp với các bộ, ngành xem xét các địa phương khác có thể triển khai thí điểm đón khách quốc tế. Ví dụ, Khánh Hòa có nhiều ưu thế để đón khách quốc tế như: có những khu vực tách biệt, bảo đảm an toàn; người dân từ 18 tuổi trở lên đã tiêm vắc-xin…
Ngoài ra, Bộ VH-TT-DL cũng đang đề nghị Bộ Ngoại giao xúc tiến sớm việc công nhận hộ chiếu vắc-xin, đặc biệt là xác nhận được các giấy tờ của nước sở tại. Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn cụ thể về việc thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ, giới thiệu các quy định y tế 4 cấp độ một cách rất dễ hiểu. Đây là một trong những cơ sở để Bộ VH-TT-DL triển khai hướng dẫn tạm thời về việc thích ứng linh hoạt bảo đảm phòng chống dịch Covid-19 trong hoạt động du lịch…
“Chúng tôi cho rằng cần phải xây dựng sớm để thống nhất cơ chế, chính sách, tạo cơ sở cho các địa phương, DN làm việc với các đối tác để khai thác lại thị trường. Việc này nếu làm được sớm thì các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài, các DN có thể tận dụng thời cơ để thu hút khách trở lại Việt Nam khi có đủ các điều kiện cần thiết” – ông Nguyễn Trùng Khánh nói.
Có sản phẩm mới nhưng vướng quy định địa phương
Ông Lê Hồng Thái, Phó Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist, cho biết công ty đang xây dựng sản phẩm du lịch caravan (du lịch đường bộ bằng phương tiện cá nhân) an toàn và đề xuất UBND một số tỉnh ở miền Bắc tổ chức thí điểm loại hình tour caravan không chạm. Tuy nhiên, kế hoạch này chưa thực hiện được vì trong văn bản ký ngày 18-10, UBND một tỉnh quy định người đến từ “vùng xanh” và đã tiêm 2 mũi vắc-xin phải theo dõi sức khỏe 7 ngày. “Đi du lịch mà mất 7 ngày không được đi đâu thì khó khăn cho cả du khách lẫn công ty du lịch. Khách không đi được thì làm sao du lịch phát triển được?” – ông Thái đặt vấn đề.
Nguồn: Nguời lao động