Lăng Thoại Ngọc Hầu và chuyện về khai quốc công thần triều Nguyễn
Lăng Thoại Ngọc Hầu là một trong những không gian tâm linh nổi tiếng tại vùng Thoại Sơn An Giang. Bạn có thể đến địa điểm này để khám phá văn hóa, lịch sử trong những dịp du lịch An Giang sắp tới.
Thoại Ngọc Hầu và chuyện mở cõi vùng biên
Nguyễn Văn Thoại (1761 – 1829) tức Thoại Ngọc Hầu – là khai quốc công thần triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam. Ông chào đời ngày 26/11 năm 1761 tại làng An Hải, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (nay là phường An Hải Tây, Sơn Trà, Đà Nẵng) dưới thời Trịnh – Nguyễn phân tranh. Năm 1775, ông theo mẹ vào nam lánh nạn chiến tranh, định cư ở làng Thới Bình trên cù lao Dài (nay thuộc Vĩnh Long). Năm 16 tuổi (1777) gia nhập quân đội nhà Nguyễn, có mặt trong trận chiếm lại thành Gia Định (1778, 1787-1789) và lượt giữ chức cai cơ, khâm sai Bình Tây tướng quân phối hợp với Lào đánh quân Tây Sơn. Năm 1802, Nguyễn Ánh thống nhất giang sơn, ông được phong làm khâm sai Thống binh cai cơ và được sai ra thu phục Bắc Thành, trấn thủ Lạng Sơn, cuối cùng là trấn thủ Định Tường (1808). Đến năm 1816 ông được triệu về kinh đô Huế và nhận nhiệm vụ trấn thủ trấn Vĩnh Thanh.
Ngoài công lớn phò tá Gia Long Nguyễn Ánh thống nhất đất nước, Thoại Ngọc Hầu còn được người dân vùng Châu Đốc, An Giang tưởng nhớ bởi công lao mở cõi, khai hoang lập ấp. Những công trình xây dựng của ông có giá trị to lớn về kinh tế, giao thông, làm biến đổi những vùng đất hoang miền biên cương thành những nơi trù phú và khẳng định chủ quyền đối với đất nước, đặc biệt chúng vẫn có giá trị đến tận ngày nay.
Giới thiệu sơ nét về Đền thờ Thoại Ngọc Hầu
Lăng Thoại Ngọc Hầu là không gian tâm linh nổi tiếng ở thị trấn Núi Sập thuộc huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Đây là công trình gắn với bia Thoại Sơn đã trải qua bao biến động thay đổi của thời gian nhưng vẫn lưu giữ được vẻ đẹp cổ kính, huyền bí. Đền thờ là một trong những điểm đến bạn nên ghé qua khi du lịch Thoại Sơn An Giang.
- Xem thêm >>> Thuê xe đi An Giang
Theo lời kể lại của các bậc tiền bối cao niên, Thoại Sơn lúc trước vẫn còn là nơi hoang sơ, rừng thiêng nước độc, ít người sinh sống. Các lạch nước ở Thoại Sơn tuy có sẵn nhưng nhỏ hẹp và bị đọng bùn, không thể sử dụng được. Sau này, nhờ sự xuất hiện và khai hoang của Thoại Ngọc Hầu, lạch nước cũ đã được mở rộng, tạo tiền đề cho sự phát triển kinh tế và văn hóa của người dân vùng Thoại Sơn sau này.
Người dân Thoại Sơn đã lập nên Lăng Thoại Ngọc Hầu để bày tỏ sự ngưỡng mộ cũng như lời cảm kích gửi đến một nhân vật có công gây dựng, khai hoang đất đai. Tại đền còn có bia đá Thoại Sơn cùng những cây dầu có tuổi đời hàng trăm năm tạo nên vẻ đẹp độc đáo của kiến trúc này. Hiện nay, Lăng Thoại Ngọc Hầu đã được Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam trao tặng bảng vàng và nằm trong Top 100 điểm đến ấn tượng.
- Xem thêm >>> TIỀN GIANG – BẾN TRE – CẦN THƠ
Kiến trúc của Lăng Thoại Ngọc Hầu
Đây là nơi an nghỉ của Thoại Ngọc Hầu và hai phu nhân. Lăng là quần thể kiến trúc lăng mộ hiếm hoi còn sót lại từ thời Nhà Nguyễn ở Nam Bộ do chính tay ông xây dựng. Lăng nằm trên quốc lộ 91, dựa lưng vào núi, mặt hướng về sông Hậu, đối diện với Miếu Bà Chúa Xứ và cáchTây An Cổ Tự không xa.
Từ ngoài đi vào phải đi qua chín bậc làm từ đá ong. Phía trên là sân lăng rộng, có tiểu đình ở giữa, hai bên hai cửa lăng hình bán nguyệt, khắc dòng liễn đối theo phong cách lăng tẩm thời phong kiến. Đáng chú ý, có năm tấm bia mộ được gắn chặt trong những bức tường ở phía trước do người đời sau thu nhặt về, nhưng theo thời gian đã không còn thấy chữ ở trên đó nữa.
- Xem thêm >>> AN GIANG – CẦN THƠ – LONG AN
Toàn bộ lăng được bao bọc bởi bức tường dày cả mét, phía bên trong là nội lăng. Nội lăng được chia thành hai vuông lăng. Vuông thứ nhất có ngôi mộ của hai phu nhân ông Thoại ở hai bên: bà chính thất phu nhân Châu Thị Tế và bà thứ Trương Thị Miệt (mộ bà thứ thấp hơn để tỏ sự kính nhường). Ở giữa chính là mộ của Thoại Ngọc Hầu. Cả ba đều có bức bình phong và bi ký bằng chữ Hán ở trên.
Vuông lăng còn lại bao gồm những ngôi mộ của các cận thần, thân tộc và dân binh đã mất trong quá trình đào kênh Vĩnh Tế do ông quy tập về. Những ngôi mộ này có nhiều hình dáng khác nhau: hình voi phục, hình bầu dài, hình vuông vắn,…
Các địa điểm tham quan gần lăng Thoại Ngọc Hầu
Gần lăng Thoại Ngọc Hầu có rất nhiều địa điểm để tham quan: Chùa Tây An, Chùa Hang (chùa Phước Điền), miếu Bà Chúa Xứ… Xa hơn dưới chân núi thì có chùa Huỳnh Đạo – ngôi chùa rồng trên mặt nước độc đáo. Du khách có thể kết hợp đi tham quan nguyên cụm các địa điểm này trong cùng một buổi.
Buổi còn lại du khách có thể tranh thủ đến với chợ Châu Đốc – vương quốc mắm; làng nổi cá bè Châu Đốc; làng Chăm Châu Giang hoặc làng chăm Đa Phước… Xa hơn một tí thì có rừng Tràm Trà Sư, chùa Lầu, chùa Bánh Xèo. Đây đều là những điểm tham quan nổi bật của du lịch An Giang mà bạn không nên bỏ qua.