Làng phong Quy Hòa – Vẹn nguyên những ký ức
Làng phong Quy Hòa là nơi sinh sống của hơn 250 hộ gia đình và hơn 400 bệnh nhân phong ở mọi miền đất nước. Trong tâm trí nhiều người, bệnh phong vẫn còn là căn bệnh đáng sợ, tuy nhiên, Quy Hòa là một nơi đặc biệt, nơi kết nối tình thương giữa người với người.
Trải qua gần 100 năm, làng phong Quy Hòa giờ đây không chỉ là trại phong mà còn là điểm du lịch thu hút du khách bốn phương.
Đôi nét về làng phong Quy Hòa
Làng phong Quy Hòa nằm dưới một thung lũng bình yên bên bờ biển, bao bọc xung quanh là núi đồi, mặt hướng ra đón gió biển.
Khi đến với làng phong Quy Hòa, du khách sẽ nhìn thấy khung cảnh thiên nhiên hiện lên thơ mộng, những tia nắng chan hòa và tiếng sóng vỗ rì rào.
Quy Hòa là mảnh đất quý còn sót lại khi thành phố Quy Nhơn đang phát triển rất nhanh. Ít ai biết rằng, mảnh đất này từng là nơi mà người dân địa phương hay người ngoài muốn nó bị chìm vào quên lãng.
Trước kia, Quy Hòa là nơi tìm đến của những mảnh đời bất hạnh mắc căn bệnh phong quái ác. Ngày nay, khi khoa học phát triển, bệnh phong không còn là nổi sợ hãi với con người, làng phong Quy Hòa đang dần trở thành điểm tham quan của khách du lịch.
Làng phong Quy Hòa như một góc khuất yên bình giữa phố biển Quy Nhơn nhộn nhịp. Nơi đây còn là điểm đến cho những ai muốn tìm hiểu là quá khứ của Quy Hòa, khi những ký ức lịch sử vẫn còn vẹn nguyên.
Làng phong Quy Hòa nằm ở đâu?
Làng phong Quy Hòa thuộc phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn; cách trung tâm thành phố chừng 3km về phía Nam. Làng phong Quy Hòa nằm tách biệt hoàn toàn với thành phố, để đi đến đây, du khách phải đi qua 2 đoạn đèo nhỏ.
Lịch sử về làng phong Quy Hòa
Bệnh phong hay còn gọi là bệnh Hansen, là một trong những căn bệnh lâu đời nhất trên thế giới, được gây ra bởi một loại vi khuẩn. Khi nhiễm bệnh lâu ngày, da và dây thần kinh của người bệnh bị tổn thương, khiến cơ thể họ dễ có dị tật, kém nhạy cảm với vết đau và nhiệt độ.
Do thiếu kiến thức khoa học, nhiều người Việt lúc bấy giờ có quan điểm sai lệch về bệnh phong, cho rằng đây là căn bệnh dễ lây lan. Điều này khiến người bệnh phải chịu sự kỳ thị từ xã hội, bị cô lập và đối xử tàn nhẫn; thậm chí bị chôn sống, dìm nước hoặc đẩy vào chốn rừng núi hoang vu. Mãi đến năm 1940 mới có thuốc chữa.
Vào những năm 1920, tại Bình Định được xác định có 360 người mắc bệnh phong, tuy nhiên số ca thực tế có thể lên tới 1200 ca. Trước tình hình như vậy, Paul Maheu, một linh mục người Pháp, cùng bác sĩ Lemoine của Bệnh viện Bình Định, đã thành lập Bệnh viện Laproserie de Quy Hoa vào năm 1929.
Năm đầu tiên hoạt động, bệnh viện mở cửa đón 52 bệnh nhân. Phòng bệnh lúc này không khang trang mà chỉ là những ngôi nhà tranh vách đất. Năm 1932, để chăm sóc cho số lượng bệnh nhân ngày càng lớn, sáu nữ tu người Pháp đã lên đường tới Quy Nhơn từ Marseille trên một chuyến hành trình khó nhọc. Họ vừa chăm sóc, tắm rửa cho bệnh nhân, vừa củng cố cơ sở vật chất.
Năm 1932, bệnh viện được Charles Antoine và Ozithe xây dựng lại, có cả khu nhà để người bệnh đến đây điều trị lâu dài. Trong khuôn viên Quy Hòa còn có nhà thờ, nơi ở của các nữ tu sĩ và hơn 200 ngôi nhà để cho bệnh nhân phong định cư.
Năm 1936, nhà thơ Hàn Mạc Tử mắc bệnh phong và đến sống ở Quy Hòa để điều trị bệnh và làm thơ trong những năm tháng cuối đời. Trong đau đớn, cô đơn và buồn tủi, những vầng thơ Hàn Mạc Tử ghi đậm dấu ấn tài hoa rất riêng đã được ra đời tại vùng đất đẹp như tranh này như: “Thơ điên”, “Hương thơm”. “Mật đắng”, “Máu cuồng và hồn điên”… Từ đó, Quy Hòa cũng được biết đến nhiều hơn. Với những ai hâm mộ thơ Hàn Mạc Tử, Quy Hòa là điểm đến không thể bỏ qua trong đời. Người mộ điệu thơ, người tiếc thương cho một người tài hoa bạc mệnh, người tìm thấy vẻ đẹp và sự đồng cảm trong thơ ông đến đây mỗi năm để tưởng nhớ
Công trình kiến trúc độc đáo của làng phong Quy Hòa
Đến làng phong Quy Hòa, du khách không khỏi ngạc nhiên trước kiến trúc độc đáo, hiếm nơi nào có được.
Sơ Ozithe là kiến trúc sư và là người giám sát việc quy hoạch của trại Quy Hoà. Ông đã cân nhắc đến nhu cầu của các bệnh nhân và gia đình, cũng như lối kiến trúc nhiệt đới của Việt Nam khi xây dựng công trình. Mỗi bệnh nhân khi đến đây sẽ đưa ra ý tưởng cho ngôi nhà của mình, họ có thể tự tay vẽ họa tiết cho gạch.
Nhu cầu sinh hoạt của bệnh nhân cũng ảnh hưởng không nhỏ đến kiến trúc của bệnh viện Quy Hòa. Ở đây, sàn được lát gạch, cầu thang có ít bậc, lối đi rộng rãi và không có hàng rào để hỗ trợ những bệnh nhân nặng với nhiều dị tật cơ thể.
Theo thời gian, nhiều xu hướng và phong cách mới từ Nhật Bản, Hàn Quốc cũng xuất hiện trong các thiết kế nhà. Nhưng kiến trúc ở bệnh viện Quy Hoà không hề mất đi sự độc đáo, có lẽ nỗi đau của mỗi người đã tô điểm thêm cho cơ ngơi họ tạo dựng.
Làng phong Quy Hòa có gì?
Nhà tưởng niệm Hàn Mạc Tử là nơi mà nhà thi sĩ tài hoa đã sinh sống ở những năm cuối đời khi mắc bệnh phong. Nơi đây giữ lại toàn bộ những kỷ vật về nhà thơ Hàn Mạc Tử, từ tập thơ hay những vật dụng cá nhân. Bức thư viết tay với nét chữ nguệch ngoạc gửi mẹ đã được đóng khung và lưu giữ tại đây.
Nơi đây cũng được đặt bàn thở để bày tỏ lòng thành kính và thương nhớ đến thi sĩ Hàn Mạc Tử.
Những bài thơ lừng danh của ông được khắc bằng bút lửa trên những tấm gỗ đầy nghệ thuật treo trên bức tường tạo nên một khung cảnh đầy trang nghiêm, cổ kính và thiêng liêng.
Biển Quy Hòa
Đây là một nơi có bờ biển sâu với nhiều đợt sóng ngầm nên khá nguy hiểm, du khách không nên tắm biển ở đây. Tuy vậy, nơi đây là địa điểm lý tưởng để tổ chức những buổi dã ngoại, bên bờ biển mát mẻ với những đợt sóng xô rì rào đặc biệt với bờ cát dài và mát mẻ.