Phục hồi du lịch: Làm sao để thoát cảnh dè dặt, cầm chừng?
Các hoạt động du lịch đang dần trở lại nhưng triển vọng phục hồi ngành công nghiệp không khói thời điểm này gần như rất khó do “trái mùa” với khách nội địa và chưa thể đón khách quốc tế.
Tung nhiều sản phẩm du lịch nhằm hút khách
Hầu hết các trang mạng xã hội, các diễn đàn về du lịch đều đang “đăng đàn” thông báo những khuyến mại chưa bao giờ có về các tour du lịch nghỉ dưỡng tại các khu nghỉ dưỡng lớn trên toàn quốc. Các voucher giảm giá theo các dạng “nhiều dịch vụ trong 1” đã được tung ra với nhiều hấp dẫn tại các khu nghỉ dưỡng FLC, Vinpearl…
Saigontourist Group đồng loạt áp dụng mức giá ưu đãi đến 50% các lĩnh vực dịch vụ lưu trú, ẩm thực, tiệc và hội nghị, kéo dài đến 31/12. Các hình thức thu hút khách “bằng mọi giá” đã được đưa ra. Ví dụ, khách sạn 5 sao Majestic Sài Gòn nằm trên đường Đồng Khởi giới thiệu gói nghỉ dưỡng “daycation”, với giá chỉ 499.000 đồng mỗi khách, bao gồm: combo ăn sáng, tặng một ly cocktail hoặc nước giải khát tại hồ bơi, giảm 30% các gói spa và massage.
Các gói nghỉ dưỡng tại các khách sạn 5 sao cũng giảm mạnh với mức giảm lên đến 50%. Thậm chí, lần đầu tiên hãng lữ hành này áp dụng hình thức “ở khách sạn dưới 4 tiếng” với mức giảm đáng kể.
Những ngày vừa qua, Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh đã cùng với nhiều địa phương như Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Hà Giang… kết nối, phát triển du lịch an toàn. Đáng chú ý, từ ngày 1/11, TP Hồ Chí Minh đã tổ chức tour du lịch khép kín đến Bình Định, trong đó chủ yếu đến bán đảo Phương Mai (TP Quy Nhơn). Ngoài ra, cả hai địa phương sẽ kết hợp mở rộng thêm các sản phẩm du lịch mới.
Tour du lịch khép kín (dành cho những người đã tiêm 2 mũi vắc xin, có xét nghiệm PCR âm tính và đi theo một lịch trình định sẵn) đang là sự lựa chọn của rất nhiều doanh nghiệp lữ hành cũng như các địa phương bởi sự an toàn của hình thức này.
Hà Nội cũng đã tổ chức được vài tour khép kín đi các tỉnh gần, trong bán kính khoảng 100-200km. Hoặc tour bộ hành “Kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội” đã được Hà Nội tổ chức vào Thứ Bảy và Chủ nhật hàng tuần từ ngày 23/10. Một số tỉnh phía Bắc cũng tổ chức các tour trao đổi nội 2 tỉnh với nhau để từng bước tiến tới mở cửa du lịch.
Đáng chú ý, ngay cả những tour du lịch cực “hot” trong các năm trước (du khách muốn đi phải đặt tour trước cả năm) nhưng thời điểm này cũng thông tin giảm giá kích cầu, dù mức giảm chỉ vào khoảng 20%. Đồng thời, các tour tương tự cũng được công ty cải tiến với mức độ giãn cách phù hợp sau COVID-19, đặc biệt có các tour trải nghiệm dành riêng cho gia đình. Tất cả các tour này cũng đều được giảm giá, dù mức giảm không đáng kể.
Hy vọng phục hồi vào quý II/2022
Theo báo cáo của Sở Du lịch Hà Nội, sau khi thành phố nới lỏng giãn cách, đã có gần 5.000 lượt du khách đến Hà Nội trong tháng 10/2021, tổng thu đạt 14 tỷ đồng (giảm 98,8% so với cùng kỳ năm 2020). Hà Nội hiện có 3.722 cơ sở lưu trú du lịch với gần 70.000 phòng; trong đó có 589 khách sạn xếp hạng từ 1-5 sao, chiếm 15,8% tổng số cơ sở lưu trú du lịch. Tuy nhiên, do dịch COVID-19, số cơ sở lưu trú tạm dừng hoạt động và chuyển đổi ngành nghề khoảng 1.550 cơ sở.
Ước tính, tháng 10/2021, công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn 1-5 sao ước đạt khoảng 17%, tăng 2% so với tháng 9/2021 và giảm 11,6 % so với cùng kỳ năm 2020. Số liệu ước tính cũng cho thấy, có đến trên 95% doanh nghiệp, đại lý lữ hành đóng cửa, tạm dừng hoạt động ở Hà Nội. Kinh doanh vận chuyển khách du lịch cùng sụt giảm, công suất xe lưu hành trung bình dưới 10% và không hoạt động trong thời gian giãn cách.
Ông Nguyễn Ngọc Tấn – Tổng Giám đốc Công ty Saco Travel cho rằng, mặc dù TP Hồ Chí Minh đã có chủ trương mở cửa trở lại nhưng các tỉnh khác vẫn e dè. Do đó, các doanh nghiệp du lịch đều mong muốn chính quyền các địa phương cần có sự kết nối để hỗ trợ đơn vị lữ hành thực hiện các tour an toàn sau dịch. “Sắp tới, Saco Travel sẽ tiếp tục mở tour liên tỉnh tới các tỉnh miền Trung và Hà Giang”, ông Tấn nói.
Tuy nhiên, nhiều đại diện lữ hành du lịch không tin tưởng nhiều vào triển vọng phục hồi du lịch giai đoạn này. Ông Ngô Minh Đức – Chủ tịch của Gotadi.con nhận định: “Không thể phục hồi du lịch trong tình hình mỗi tỉnh một phách về phòng chống dịch như hiện nay. Tôi hy vọng các lãnh đạo của ngành phải có một bộ tiêu chí thống nhất trên toàn quốc dành cho du lịch thì mới mong ngành du lịch phát triển trở lại thật nhanh”.
Đại diện một doanh nghiệp lữ hành lớn khác cũng cho rằng, vào giai đoạn “trái mùa” này rất khó để kỳ vọng du lịch có thể làm được điều gì lớn. Bởi mùa du lịch ở Việt Nam thường vào giai đoạn hè. Khách nước ngoài thích đi du lịch vào thời điểm này nhưng lại chưa mở cửa cho du khách quốc tế. “Chúng tôi vẫn phải hoạt động cầm chừng để kỳ vọng du lịch có thể trở lại mạnh mẽ vào quý II năm sau”, đại diện doanh nghiệp lữ hành nói.