Nhà Cổ Bình Thuỷ

Miền Tây Nam Bộ sở hữu vô số di sản kiến trúc không được biết đến nằm tản mạn khắp các ngõ ngách, rất cần được khám phá. Khi nghĩ về di sản vùng đất này, người phương xa thường hình dung đến ba ngôi nhà cổ nổi tiếng nhờ vào các giai thoại và tác phẩm văn học, điện ảnh: nhà cổ Công tử Bạc Liêu, nhà cổ Huỳnh Thủy Lê (Đồng Tháp) và nhà cổ Bình Thủy (Cần Thơ). Nhà cổ Bình Thủy là kiến trúc tiêu biểu của vùng đất Tây Đô, là minh chứng cho thành tựu giao lưu văn hóa qua nghệ thuật, một vẻ đẹp cầu kỳ nhưng nhẹ nhàng, mơ màng và sang cả.

Nhà cổ Bình Thủy hay Phủ thờ họ Dương tọa lạc tại quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ. Đây là một kiến trúc “nội công ngoại quốc” điển hình, ngoài Tây trong Ta, nên lịch sử hình thành đi theo quy luật chung của kiến trúc Nam Kỳ. Khởi đầu bằng một ngôi nhà rường truyền thống dựng năm 1870, khung gỗ, mái ngói âm dương, bộ chạm tỉ mỉ, cầu kỳ và bố trí nội thất đúng quy điển Việt. Nhiều thập niên trôi qua dưới chế độ Thuộc địa của Cộng hòa Pháp, những ảnh hưởng mỹ thuật phương Tây dần len lỏi vào các nếp nhà dân gian, phả hơi thở tân kỳ hòa vào nếp sinh hoạt xưa cũ. Một mặt tiền Art Nouveau đã mọc lên ôm lấy khung nhà gỗ, mang những đồ án Tây phương đã biến đổi tỷ lệ để phù hợp thị hiếu gia tộc họ Dương.

Một nhầm lẫn phổ biến cho rằng nhà cổ xây theo lối “trùng thềm điệp ốc”. Thực chất, lớp nhà phía trước là thảo bạt, mục đích là che chắn, tăng thêm nhịp điệu cho mái nhà, phá vỡ thế đơn điệu của một mái ngói đơn nhất, cấu trúc đơn giản hơn chứ không cầu kỳ như dạng thức trùng thiềm điệp ốc vốn dành cho điện miếu. Trên hai mái nhà điểm hai hàng xương cá (cresting) và cặp chái đèn (finial) về hai bên làm tăng hiệu quả trang trí. Ngôi nhà có năm gian, mặt tiền ba gian giữa trang trí lối “tam quan tứ trụ”, cứ bốn trụ giả đỡ ba vòm tròn, hai gian bên điểm trán tường tam giác cổ điển. Tường vôi điểm xuyết cành lá Tây châu, những nho, ô liu, ô rô, hoa hồng vẽ nên nét cầu kỳ, kiểu cách. Đặc biệt, bộ sắt uốn của phong cách Art Nouveau được khéo lồng với tường hoa, một tiếp biến thịnh hành vào thời này. Bốn cầu thang con tiện (balustrade) uốn cong hoàn thiện nét duyên dáng và sang trọng của một phủ thờ thế gia.

 

Nhờ thành công của bộ phim Người Tình (L’Amant) chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nữ sỹ Marguerite Duras, ngôi nhà từng là phim trường này trở nên nổi tiếng và thu hút khách viếng thăm gần xa. May mắn hơn các nhà cổ du lịch khác, nhà cổ Bình Thủy vẫn thuộc sở hữu của tư nhân nên được bảo tồn tốt hơn, tránh được những biến tướng từ hoạt động du lịch và kinh doanh thiếu định hướng. Nhờ nằm xa khỏi tâm điểm của cơn bùng nổ đô thị, ngôi nhà vẫn giữ nguyên cấu trúc một nhà vườn Nam Kỳ với đủ hàng rào, cổng nhà, non bộ, vườn hoa, trang thờ thông thiên, sân gạch. Là một chấm phá hài hòa trong tổng thể giàu nhịp điệu giữa cảnh quan và kiến trúc, nhà cổ Bình Thủy là nơi bất cứ ai ghé qua Tây Đô cũng không thể bỏ qua.

 

 

Saco Travel mong muốn lắng nghe ý kiến đánh giá của bạn:

Hotline đặt vé Saco 24/7: 1900 6027