Làng Nghề Gốm Bàu Trúc – Ninh Thuận
Làng nghề gốm Bàu Trúc cách trung tâm thành phố Phan Rang – Tháp Chàm 10km. Khu phố Bàu Trúc nằm giữa hai trục đường giao thông chính: Quốc lộ 1A ở phía Đông và đường sắt Bắc Nam ở phía Tây. Làng nghề gốm Bàu Trúc được xem là một trong những làng gốm cổ nhất Đông Nam Á còn tồn tại cho đến ngày nay, nổi tiếng với những sản phẩm gốm thủ công và kỹ thuật nung gốm độc đáo, mang đậm nét văn hóa Chăm. Năm 2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận nghệ thuật làm gốm truyền thống này vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đặc biệt hiện nay, tỉnh Ninh Thuận đang tiến hành hoàn tất các thủ tục liên quan đến việc đề nghị Hội đồng Di sản thế giới công nhận “Nghệ thuật làm Gốm của người Chăm Bàu trúc” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cần bảo vệ khẩn cấp.
Theo dân gian truyền tụng, tổ nghề của gốm Bàu Trúc là ông Poklong Chang và cho đến bây giờ người Chăm Bàu Trúc còn tự nhận mình là con cháu của Pô Klong Chang, ông là một quan cận thần của vua Pô Klong Giarai (1151-1205). Họ còn kể rằng hơn ngàn năm trước chính Pô Klong Chang đã giúp dân Bàu Trúc thoát khỏi cảnh lầm than đói khổ, đưa dân làng đến định cư ở cánh đồng “Hamu Trok” và dạy cho những người phụ nữ cách lấy đất, nặn rồi nung thành những dụng cụ, vật trang trí trong nhà. Từ đó cứ “mẹ truyền con nối”, nghề gốm Báu Trúc còn bảo lưu truyền thống đến ngày nay. Do đó người dân nơi đây coi Pô Klong Chang là tổ sư của nghề gốm. Để tỏ lòng biết ơn tổ nghề, người dân làng gốm Bàu Trúc đã lập đền thờ tưởng nhớ và tổ chức cúng tế ông vào dịp lễ hội Katê hàng năm (khoảng từ cuối tháng 9 đến tháng 10 dương lịch).
- Gốm Bàu Trúc giai đoạn từ năm 1832 đến 1954: Giai đoạn này, gốm Chăm Bàu Trúc chủ yếu làm ra để phục vụ gia đình và trao đổi vật (lúa, bắp, mì, gà, vải thổ cẩm…) với các làng xung quanh trong nội tỉnh. Gốm Chăm Bàu Trúc trong giai đoạn này được xem là nghề phụ trong gia đình. Họ chỉ làm trong những ngày mùa rảnh rỗi và đem trao đổi buôn bán bên ngoài khi có ngày mùa bội thu.
- Giai đoạn từ năm 1954 – 1975: Giai đoạn này, những người dân trong làng đã bắt đầu làm ra nhiều sản phẩm gốm hơn, bằng hình thức “chồng gánh vợ đội” đi bán quanh làng Chăm và làng người Kinh trong vùng vẫn là phổ biến. Tuy nhiên trong giai đoạn nàyđáng chú ý là do điều kiện giao thông phát triển, đường sắt và đường Quốc lộ 1A xuấthiện gần làng Bàu Trúc nên người thợ gốm đã có điều kiện đưa gốm Chăm bằng tàu lửa đến Sài Gòn, Nha Trang để tiêu thụ. Đó là việc đầu tiên đánh dấu gốm Chăm Bàu Trúc phát triển, vươn ra thị trường lớn trong nước.
– Giai đoạn từ 1975 –1986: Đây là thời kỳ “hoàng kim” của gốm Chăm Bàu Trúc . Vì đây là thời kỳ kinh tế bao cấp, mặt hàng tiêu dùng khan hiếm, trong khi đó gốm Bàu Trúc -một loại hàng thủ công không cần nhiều vốn, không cần Nhà nước đầu tư về cơ sở vật chất, không có sự quản lý của Nhà nước, gốm Chăm lại dễ sản xuất, sản phẩm đa dạng, đồng thời gốm Chăm cũng khá thích hợp và đáp ứng được đa sốnhu cầu người sử dụng. Vì vậy mà gốm Chăm thời kỳ này bán rất “chạy”, trở thành hàng độc quyền trong vùng. Từ đó giúp làng Chăm Bàu Trúc cải thiện được kinh tế gia đình.
- Giai đoạn 1986 – 2000: Năm 1986, Việt Nam thực hiện chính sách đổi mới chuyển từ hình thức kinh tế quan liêu bao cấp sang kinh tế thị trường với sự phát triển kinh tế nhiềuthành phần, có sự quản lý của Nhà nước, theo định hướng Xã hội chủ nghĩa. Từ đó nhiều cơ sở hàng công nghiệp tư nhân chế biến đồ gia dụng bằng nhựa, nhôm ra đời có ưu điểmvượt trội hơn so với đồ gốm như đa dạng về mẫu mã, gọn nhẹ, tiện lợi, đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng. Do đó khách hàng đã tìm đến mua hàng công nghiệp nhiều hơn. Kết quả gốm Bàu Trúc mất dần vị thế trên thị trường.
- Giai đoạn từ năm 2000 đến nay: Năm 2000, nghề gốm bắt đầu khởi sắc trở lại. Sau những bước thăng trầm tưởng chừng nghề làm gốm cổ truyền của người Chăm đã rơi vào bế tắc nhưng gốm Chăm đã vực dậy một cách ngoạn mục. Đặc biệt từ năm 2007, làng nghề gốm được Nhà nước quy hoạch, làng khang trang, sạch đẹp, du khách ghé thăm nhiều hơn. Để đáp ứng nhu cầu du khách, những nghệ nhân Bàu Trúc đã vực dậy thay đổi mẫu mã, tạo ra những sản phẩm mới với những bình gốm to nhiều kiểu lạ, trang trí hoa văn đẹp và những hình tượng điêu khắc, tháp Chăm, vũ nữ Apasara cũng được sao chép lại giới thiệu cho khách du lịch.
Nghề gốm có vị trí khá quan trọng đối với người dân làng Bàu Trúc bởi nó mang nhiềugiá trị nhất định. Do vậy, việc bảo tồn nghề gốm truyền thống vừa mang ý nghĩa kinh tế vừa là sự bảo tồn một trong những nghề thủ công truyền thống quan trọng của người Chăm Ninh Thuận còn lại cho đến nay. Nghề làm gốm truyền thống của người Chămlàng Bàu Trúc đã tồn tại, phát triển khá lâu trong lịch sử. Chính lịch sử lâu đời của nghềgốm là lý do giải thích về những nét đẹp, những giá trị ở khía cạnh điêu khắc, nghệ thuật và khoa học. Như vậy, nghề gốm dù là nghề phụ hay là nghề chính thì vẫn là nghề mang một giá trị văn hóa – xã hội nhất định trong đời sống của người dân. Dù chỉ “lấy công làm lời” thì những thợ gốm vẫn làm gốm mỗi ngày chỉ vì họ yêu nghề như yêu một nét đẹp truyền thống của tộc người Chăm của họ.
Với những giá trị độc đáo và đặc sắc gốm Bàu Trúc được khẳng định là di sản văn hóa phi vật thể của cộng đồng, là sản phẩm đại diện cho cộng đồng, là tiếng nói của cộng đồng và là thương hiệu chung của cả cộng đồng. Di sản này dù trải qua nhiều thăng trầm nhưng vẫn tồn tại với một sức sống bền vững và mãnh liệt. Vì vậy, gốm Bàu Trúc của người Chăm Ninh Thuận xứng đáng được Hội đồng Di sản thế giới công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cần bảo vệ khẩn cấp.